Ngày 21 tháng 6 năm 2017, Quốc hội ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 số 15/2017/QH14. Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có 10 chương và 134 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018. Luật này quy định về quản lý nhà nước đối với tài sản công; chế độ quản lý, sử dụng tài sản công; quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng tài sản công.
Tài sản công ở nước ta có quy mô và giá trị rất lớn, là cơ sở để phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và là nguồn lực quan trọng của quốc gia. Năm 2008, Quốc hội đã ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật này đã bộc lộ nhiều hạn chế. Do đó ngày 21 tháng 6 năm 2017, Quốc hội ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 số 15/2017/QH14. Luật này quy định về quản lý nhà nước đối với tài sản công; chế độ quản lý, sử dụng tài sản công; quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng tài sản công. Đối với tài sản công là tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật có liên quan.
Đối tượng áp dụng của Luật gồm: Cơ quan nhà nước; Đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân; Đơn vị sự nghiệp công lập; Cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam; Tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp; tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội; Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công.
Luật Quản lý, sử dụng tài sản công gồm 10 chương, 137 điều. Luật đã cụ thể hóa phạm vi Tài sản công theo Điều 53 Hiến pháp, đã quy định chế độ quản lý, sử dụng và xác định vai trò của Nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đối với tài sản công, tạo lập sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Luật có phạm vi điều chỉnh theo hướng bao quát các loại tài sản công theo quy định tại Điều 53 Hiến pháp năm 2013, hướng tới mục tiêu khai thác có hiệu quả nguồn lực tài chính từ tài sản công và quản lý, sử dụng tài sản công tiết kiệm. Luật đã xây dựng những nguyên tắc chung nhất trong quản lý, sử dụng tài sản công; kế thừa những nội dung, quy định hiện hành còn phù hợp, đã được thực hiện ổn định, có hiệu quả trong thực tế; sửa đổi những quy định không còn phù hợp với thực tế và yêu cầu quản lý trong tình hình mới; đổi mới phương thức quản lý, sử dụng tài sản công theo hướng nắm chắc, hạch toán đầy đủ tài sản công cả về giá trị và hiện vật; coi tài sản công là nguồn lực quan trọng, quy định các cơ chế quản lý, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả, phòng ngừa tham nhũng, thất thoát, lãng phí; xây dựng cơ chế khai thác tài sản công hợp lý gắn với việc huy động các nguồn lực của xã hội để cùng Nhà nước đầu tư phát triển, khai thác tài sản công, tạo lập nguồn lực tài chính đóng góp có hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội… Bên cạnh những quy định áp dụng chung cho tất cả các loại Tài sản công, trong nội dung dự thảo khi quy định về chế độ quản lý, sử dụng đối với từng loại tài sản có sự phân biệt các cấp độ khác nhau. Việc quy định như trên nhằm bảo đảm nguyên tắc tất cả các loại tài sản công đều được điều chỉnh bởi pháp luật, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tạo cơ sở để nắm được tổng thể nguồn lực từ tài sản công. Nội dung cơ bản của Luật đã khắc phục những hạn chế trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, nhất là tình trạng lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng, xử lý tài sản đồng thời thể hiện một số điểm mới trong từng chương.
Cụ thể Luật quản lý, sử dụng tài sản công có bố cục như sau:
Chương I: Những quy định chung: gồm 11 Điều (từ Điều 1 đến Điều 11) quy định về phạm vi điều chỉnh và những nội dung chủ yếu: Tài sản công và phân loại tài sản công, chính sách và nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công, các hình thức khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công, công khai và giám sát của cộng đồng đối với tài sản công, các hành vi bị cấm và xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công.
Chương II: Nội dung quản lý nhà nước về tài sản công và nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước đối với tài sản công: gồm 08 Điều (từ Điều 12 đến Điều 20) quy định nội dung quản lý nhà nước đối với tài sản công, nhiệm vụ, quyền hạn quy định nội dung quản lý nhà nước đối với tài sản công, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ, cơ quan trung ương, Kiểm toán nhà nước, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp đối với tài sản công, thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công. Theo đó, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tài sản công, Bộ tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thực hiện nhiệm vụ này. Tuy nhiên, tùy theo từng loại tài sản công, nhiệm vụ của Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan trung ương liên quan có sự phân định cụ thể.
Chương III: Quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức đơn vị: gồm 54 Điều (từ Điều 21 đến Điều 74) được chia thành 07 mục quy định về quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công, chế độ quản lý, sử dụng tài sản công tại từng loại hình cơ quan, tổ chức, đơn vị. Nội dung của chương này cơ bản được kế thừa các quy định tại Luật quản lý, sử dungjt ài sản nhà nước năm 2008, đưa vào một số quy định tại các Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008, đưa vào một số quy định tại các nghị định và thông tư hướng dẫn đã được kiểm nghiêm và chứng minh sự phù hợp trong quá trình tổ chức thực hiện như: nguồn hình thành tài sản công, đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, hạch toán báo cáo, bảo dưỡng, sửa chữa tài sản, các hình thức xử lý tài sản, sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết...
Chương IV. Chế độ quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng. Chương này gồm 23 Điều (từ Điều 75 đến Điều 97) được chia thành 5 mục quy định chung về quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng; hồ sơ, kế toán, báo cáo, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng; khai thác tài sản, xử lý tài sản kết cấu hạ tầng; quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư. Nội dung của Chương này được soạn thảo trên cơ sở các quy định tại Nghị định số 10/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đồng thời điều chỉnh các quy định có liên quan để phù hợp với các loại tài sản kết cấu hạ tầng khác. Chế độ quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng quy định tại Chương này được khái quát như sau:
Tất cả các tài sản kết cấu hạ tầng đều phải được giao cho đối tượng quản lý để xác định chủ thể chịu trách nhiệm trước Nhà nước trong quản lý đối với loại tài sản này. Đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng bao gồm: Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, lực lượng vũ trang nhân dân, doanh nghiệp.
Mọi tài sản kết cấu hạ tầng phải được bảo trì theo quy định nhằm duy trì tình trạng kỹ thuật của tài sản kết cấu hạ tầng, đảm bảo hoạt động bình thường và an toàn khi sử dụng. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu và năng lực được Nhà nước xem xét giao thực hiện việc bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng. Kinh phí bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng được bố trí từ ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước hoặc nguồn kinh phí khác được sử dụng theo quy định của pháp luật.
Quy định các phương thức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng bao gồm: thứ nhất, đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng tổ chức khai thác tài sản; thứ hai, chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng; thứ ba, cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng; thứ tư, chuyển nhượng có thời hạn tài sản kết cấu hạ tầng. Nhằm định hướng cho việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng có hiệu quả, khắc phục tình trạng đơn vị được giao quản lý tài sản giữ lại tài sản để tự khai thác trong khi hiệu quả của các phương thức khác tốt hơn, dự thảo quy định theo hướng ưu tiên áp dụng các phương thức thứ hai, thứ ba và thứ tư.
Quy định chế độ quản lý, sử dụng đối với tài sản kết cấu hạ tầng được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (Điều 96, Điều 97). Trong đó, quy định cụ thể việc bàn giao tài sản kết cấu hạ tầng để thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, chế độ báo cáo, chuyển giao tài sản kết cấu hạ tầng theo hợp đồng cho Nhà nước.
Chương V. Chế độ quản lý, sử dụng tài sản công tại doanh nghiệp. Chương này gồm 3 Điều (từ Điều 98 đến Điều 100) quy định việc quản lý, sử dụng tài sản công tại doanh nghiệp như sau:
Đối với tài sản công đã được tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, việc quản lý, sử dụng được thực hiện theo quy định của Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Đối với tài sản công do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý, không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp (như: đất đai, tài nguyên thiên nhiên, tài sản kết cấu hạ tầng, tài sản dự án), dự thảo Luật quy định một số nội dung quản lý để rõ quyền, trách nhiệm của các cơ quan liên quan, tránh thất thoát, sử dụng lãng phí tài sản, cũng như có cơ chế để quản lý, sử dụng, phát triển tài sản công do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý, không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp bao gồm: doanh nghiệp có trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản được giao đúng mục đích, công năng sử dụng của tài sản; không được sử dụng tài sản để cầm cố, thế chấp, nhượng bán hoặc chuyển giao quyền sở hữu cho các tổ chức, cá nhân khác; kinh phí sửa chữa, bảo trì tài sản do doanh nghiệp bảo đảm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; doanh nghiệp có trách nhiệm hạch toán, tính hao mòn tài sản được giao theo quy định của pháp luật; doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với nhà nước và việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ khai thác, xử lý tài sản công thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Chương VI. Chế độ quản lý, sử dụng tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước và tài sản được xác lập quyền sở hữu thuộc về Nhà nước. Chương này gồm 14 Điều (từ Điều 101 đến Điều 114) chia thành 02 mục quy định những nội dung chủ yếu sau:
Mục 1. Quản lý, sử dụng tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước:
Nội dung của Mục này được soạn thảo trên cơ sở các quy định tại Chỉ thị số 17/2007/CT-TTg ngày 25 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý tài sản của các Ban quản lý dự án sử dụng vốn nhà nước và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ về các nội dung: hình thành tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước; sử dụng, hạch toán, báo cáo tài sản; hình thức xử lý, thẩm quyền quyết định xử lý tài sản. Riêng việc xử lý tài sản được thực hiện theo nguyên tắc tập trung để bảo đảm việc xử lý kịp thời, chuyên nghiệp, hiệu quả. Đối với tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước, việc hình thành, sử dụng và xử lý tài sản có những đặc thù, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định cụ thể.
Mục 2. Quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu thuộc về nhà nước. Nội dung của Mục này được soạn thảo trên cơ sở các quy định tại Nghị định số 29/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản và xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước và các văn bản dưới luật khác về các nội dung: thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu tài sản thuộc về Nhà nước; hình thức xử lý, thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý, trình tự xử lý tài sản. Đồng thời cập nhật bổ sung các loại tài sản thuộc về Nhà nước quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 và quy định việc tổ chức xử lý tài sản theo nguyên tắc tập trung để đảm bảo việc xử lý kịp thời, chuyên nghiệp, hiệu quả.
Chương VII. Quản lý, sử dụng, khai thác nguồn lực tài chính đất đai, tài nguyên . Chương này gồm 13 Điều (từ Điều 115 đến Điều 127) chia làm 2 Mục quy định việc quản lý, sử dụng, khai thác nguồn lực tài chính đất đai, tài nguyên. Nội dung của Chương này quy định nguyên tắc chung trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên và hình thức, phương thức khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai, tài nguyên (với vị trí là một loại tài sản công quan trọng).
Đối với đất đai, dự thảo Luật quy định các hình thức khai thác nguồn lực tài chính bao gồm: thu tiền sử dụng đất; thu tiền thuê đất, thuê mặt nước; thu thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai; sử dụng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng các công trình theo hình thức hợp đồng BT; sử dụng giá trị quyền sử dụng đất từ việc khai thác quỹ đất để tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng; các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Đối với tài nguyên, dự thảo Luật quy định các hình thức khai thác nguồn lực tài chính bao gồm: thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên; thu tiền sử dụng khu vực biển; thu tiền sử dụng rừng, tiền thuê rừng; thu thuế tài nguyên; thu phí, lệ phí trong quản lý, sử dụng, khai thác tài nguyên và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Các nội dung khác trong chế độ quản lý, sử dụng từ đất đai, tài nguyên được thực hiện theo quy định tại Luật đất đai, Luật khoáng sản, Luật tài nguyên nước, Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật tần số vô tuyến điện, Luật viễn thông và các luật khác về từng loại tài nguyên.
Chương VIII. Hệ thống thông tin về tài sản công và Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công. Chương này gồm 5 Điều (từ Điều 128 đến Điều 132) quy định về hệ thống thông tin về tài sản công; trách nhiệm xây dựng hệ thống thông tin về tài sản công; Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công; quản lý, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công và sử dụng thông tin về tài sản công. Theo đó, trên cơ sở kết quả xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008, nhằm đáp ứng yêu cầu kế toán tài sản công, nắm chắc nguồn lực của Nhà nước để có kế hoạch và tổ chức quản lý, sử dụng, khai thác có hiệu quả, bền vững, dự thảo Luật lấy Cơ sở dữ liệu hiện tại với 4 nhóm tài sản (tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; tài sản dự án sử dụng vốn nhà nước và tài sản là công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung) làm trung tâm, từng bước mở rộng để tích hợp dữ liệu của các loại tài sản công khác vào hệ thống. Trong đó, Bộ Tài chính sẽ trực tiếp xây dựng cơ sở dữ liệu của các loại tài sản công hiện chưa có cơ sở dữ liệu riêng; đối với các loại tài sản công đã có cơ sở dữ liệu, Bộ Tài chính hướng dẫn việc trao đổi thông tin để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công mà không xây dựng cơ sở dữ liệu mới để tránh chồng chéo, lãng phí.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công sẽ là một trong 4 bộ phận (cùng với hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin; hệ thống phần mềm hệ điều hành, phần mềm hệ thống và phần mềm ứng dụng; hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công) hình thành nên Hệ thống thông tin tài sản công. Hệ thống thông tin tài sản công được thiết kế tổng thể và xây dựng thành một hệ thống thống nhất trên phạm vi cả nước, phục vụ đa mục tiêu; theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, quốc tế được công nhận tại Việt Nam.
Chương IX. Dịch vụ về tài sản công. Chương này gồm 3 Điều (từ Điều 133 đến Điều 135) quy định nội dung dịch vụ về tài sản công; tổ chức, cá nhân được cung cấp dịch vụ về tài sản công; sử dụng dịch vụ về tài sản công. Theo đó, tổ chức, cá nhân được cung cấp dịch vụ về tài sản công khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Cơ quan, tổ chức, đơn vị khi thực hiện đầu tư, xây dựng, mua sắm, thuê, bảo tŕ, bảo dưỡng, góp vốn, cho thuê, liên doanh liên kết, bán, chuyển nhượng, thanh lý, tiêu hủy tài sản công được thuê các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cung cấp dịch vụ để thực hiện nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp trong quản lý, xử lý tài sản công.
Chương X. Điều khoản thi hành. Chương này gồm 2 Điều (Điều 136 và Điều 137) quy định về hiệu lực thi hành và trách nhiệm quy định chi tiết thi hành Luật.